Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã xây dựng được một ngành cơ khí dầu khí hiện đại, đáp ứng hiệu quả nhu cầu thăm dò, khai thác dầu khí thay cho những sản phẩm cơ khí trước đây phải mua của nước ngoài, tiết kiệm hàng triệu USD.
Cách đây hơn 30 năm, Liên doanh Việt – Nga (Vietsovpetro) phải di chuyển chân đế giàn khoan từ Baku (Azerbaijan) sang lắp đặt ngoài khơi Bà Rịa – Vũng Tàu để phục vụ việc thăm dò, khai thác dầu khí tại mỏ Bạch Hổ.
Thế nhưng đến nay ngành Dầu khí đã tự chế tạo, lắp đặt, vận hành các giàn khoan thăm dò, khai thác dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam. Bên cạnh đó, những sản phẩm cơ khí dầu khí còn được xuất khẩu ra thế giới, góp phần tăng thu ngoại tệ cho đất nước.
Tự chủ về cơ khí, dầu khí tiết kiệm cả triệu đô
Dấu mốc quan trọng cho sự phát triển này của ngành cơ khí chế tạo dầu khí là việc chế tạo thành công giàn khoan tự nâng có độ sâu trên 90 m nước Tam Đảo 03 và Tam Đảo 05. Các giàn khoan này từ khi được đưa vào hoạt động đều vận hành ổn định, an toàn, mang lại hiệu quả rất lớn cho Vietsovpetro.
Việc chế tạo thành công Tam Đảo 03 và Tam Đảo 05 đã ghi tên Việt Nam vào một trong số ít nước chế tạo thành công giàn khoan hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Đồng thời khẳng định thương hiệu của dịch vụ chế tạo cơ khí của ngành Dầu khí khi thay thế cho việc nhập khẩu những giàn khoan nước sâu từ nước ngoài. Đây là sản phẩm cơ khí chế tạo ứng dụng công nghệ cao lần đầu tiên được tổ chức sản xuất tại Việt Nam, với tỷ lệ nội địa hóa 35%.
Hướng ra phục vụ xuất khẩu
Bên cạnh đó, ngành cơ khí dầu khí đã vươn lên đáp ứng yêu cầu chế tạo, lắp đặt các giàn khoan cho các công ty dầu khí nước ngoài. Năm 2014, khối thượng tầng Giàn công nghệ HRD có tổng khối lượng gần 11.000 tấn với các tiêu chuẩn quốc tế về kỹ thuật, công nghệ đã được Công ty TNHH MTV Dịch vụ Cơ khí Hàng hải PTSC (PTSC M&C) chế tạo thành công trong thời gian 17 tháng, vượt tiến độ, an toàn tuyệt đối và được chủ đầu tư ONGC (Ấn Độ), các đối tác, nhà thầu giám sát đánh giá cao về chất lượng của dự án.
Đây là dự án chế tạo, đóng mới giàn công nghệ đầu tiên và lớn nhất do một công ty của Việt Nam thực hiện cho khách hàng nước ngoài thông qua thắng thầu quốc tế với nhiều đối thủ cạnh tranh đến từ khắp nơi trong khu vực Ấn Độ và Trung Đông.
Theo đó, các đơn vị cơ khí chế tạo dầu khí đã và đang từng bước tiếp cận, thực hiện và làm chủ công nghệ thi công chế tạo và xây lắp các công trình dầu khí như giàn khoan khai thác đầu giếng, giàn xử lý chế biến dầu khí trên bờ. Các công trình này đòi hỏi độ chính xác và trình độ tay nghề cao cũng như yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng và an toàn hết sức nghiêm ngặt.
Biển Đông 01 được xem là kỳ tích của ngành Dầu khí Việt Nam khi đây là dự án phức tạp nhất của ngành dầu khí về mọi mặt: Tiến độ, công nghệ và quy mô bao gồm 1 giàn xử lý trung tâm 12.000 tấn, 1 khối chân đế cọc 17.000 tấn, tổng trọng lượng các công trình khác (WHP-HT1 và WHP-MT1) lên đến 20.500 tấn cùng hệ thống đường ống và cáp ngầm.
Thế nhưng, toàn bộ thiết kế chi tiết, mua sắm và thi công chế tạo trên bờ được thực hiện trong vòng 30 tháng. Đây là một kỷ lục mà không nhiều nhà thầu trên thế giới có thể thực hiện được.
Trong giai đoạn tới, dịch vụ dầu khí nói chung và cơ khí dầu khí nói riêng tiếp tục phải đối mặt với khó khăn, thách thức và chịu nhiều tác động khách quan khiến cho khối lượng công việc bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, một trong những thông điệp được nhấn mạnh tại Hội nghị chuyên đề về các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành cơ khí Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sẽ tạo dựng thị trường cho các doanh nghiệp cơ khí phát triển.
Đây được xem là tiền đề, tạo điều kiện giúp việc cung ứng trong nước và tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm cơ khí dầu khí Việt Nam, là nền tảng thúc đẩy cho ngành cơ khí dầu khí phát triển mạnh mẽ hơn.